Bối cảnh Chiến_dịch_Tia_Lửa

Xem thêm: Trận Leningrad

Thành phố Leningrad bị tấn công từ hồi đầu mùa thu 1941 và đến ngày 8 tháng 9 cùng năm, liên quân Đức-Phần Lan đã bao vây thành phố, cắt đứt mọi con đường tiếp tế trên bộ đối với thành phố và các vùng phụ cận. Tuy nhiên, cuộc công kích vào thành phố hoàn toàn thất bại và quân Đức quyết định vây đói Leningrad. Trong suốt năm sau (1942), mọi nỗ lực nhằm giải vây cho Leningrad đều không thành công. Sau thất bại của chiến dịch Sinyavino vào cuối năm 1942, chiến tuyến quay trở lại như ban đầu và nằm ngăn cách giữa các phương diện quân Leningrad của L. A. Govorov và phương diện quân Volkhov của K. A. Meretskov là một cái "cổ chai" có chiều dài 16 kilômét (9,9 mi).[10]

Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô (STAVKA) vẫn quyết tâm giải vây cho Leningrad, trên thực tế nhiệm vụ giải vây Leningrad được ưu tiên rất cao trong các quyết sách của Nhà nước Xô Viết. Việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới bắt đầu ngay từ tháng 11 năm 1942[11] và đến tháng 12, kế hoạch được STAVKA chuẩn y và đặt cho mật danh "Tia lửa" (Iskra) Theo dự kiến, cuộc tấn công sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 1943.[12]

Đến thời điểm đó, cục diện chiến trường đã chuyển sang hết sức có lợi cho quân đội Liên Xô. Thảm bại ở trận Stalingrad đã trận tuyến quân Đức bị suy yếu và Hồng quân Liên Xô đang triển khai các đợt phản công liên tiếp trong suốt mùa đông 1942-43 với trọng tâm là ở miền Nam nước Nga nhằm khai thác tối đa chiến quả ở Stalingrad. Trong hoàn cảnh như vậy, Chiến dịch Tia Lửa là trận đánh đầu tiên diễn ra trong chuỗi chiến dịch với mục tiêu nhằm giáng một đòn trí mệnh vào Cụm Tập đoàn quân Bắc của Đức Quốc xã.[6]